Bastion-P thứ 3. "Lá chắn thép" này được Nga bán có lựa chọn cho một số
quốc gia nhất định.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát tổ hợp tên lửa Bastions P của Việt Nam |
Tuần báo Tin tức công nghiệp quốc phòng Nga dẫn lời một đại diện Nga tham gia phiên họp của Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kỹ thuật-quân sự cho biết: "Trong điều kiện hiện tại và các hợp đồng đang chuẩn bị ký kết, Việt Nam có đầy đủ cơ hội để trong ngắn hạn trở thành đối tác hợp tác số 1 của Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật - quân sự ở Đông Nam Á".
Theo vị quan chức này, trong phiên họp, Việt Nam và Nga cũng đã thảo luận về khả năng mua thêm một tiểu đoàn tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion-P thứ ba, cũng như các máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2 và các hệ thống tên lửa phòng không.
Đây là một thông tin giành được sự chú ý đặc biệt của nhiều nước khác. Từ khi có mặt trong biên chế lực lượng Hải quân Việt Nam, tổ hợp Bastion-P với tên lửa hành trình diệt hạm siêu âm Yakhont đã nhanh chóng trở thành "lá chắn thép" của Việt Nam.
Yakhont với tốc độ cao tới 750 m/s, khả năng bay sát mặt biển (cách mặt biển 5-15 m) và công nghệ tàng hình nên hầu như không một hệ thống phòng thủ hạm tàu nào có thể ngăn chặn được. Phần chiến đấu 200 kg có thể tiêu diệt hầu hết các loại tàu chiến chỉ với một quả đạn.
Bán kính chiến đấu của tổ hợp là 300 km, có thể bảo vệ được bờ biển dài 600 km, cơ số đạn cho mỗi tổ hợp là 36 tên lửa Yakhont.
Một điều đặc biệt nữa nằm ở chiến thuật của tổ hợp, để tăng xác suất tiêu diệt, Bastion-P sử dụng chiến thuật “bầy sói”. Một mục tiêu sẽ sử dụng 3 quả tên lửa đi theo 3 quỹ đạo khác nhau nhằm tránh hỏa lực của đối phương. Một quả phóng lên cao cung cấp vị trí mục tiêu cho 2 quả bay thấp hơn. Sau khi tiêu diệt mục tiêu chủ yếu, các tên lửa còn lại hướng đến các tàu khác và loại trừ khả năng 2 tên lửa tấn công cùng một mục tiêu.
Với công nghệ cực kỳ hiện đại và độ dài bờ biển được bảo vệ 600 km, Bastion-P thực sự là lựa chọn sáng suốt của Việt Nam
Với sức mạnh hủy diệt như vậy, không ngạc nhiên khi rất nhiều nước vừa e sợ vừa muốn sở hữu Bastion-P, trong đó có Trung Quốc. Tuy nhiên, Nga coi đây như một vũ khí chiến lược chỉ được phép xuất khẩu cho một số nước nhất định mà không có Trung Quốc.
- Các tổ hợp tên lửa bờ cũ như Rubezh sử dụng tên lửa P-21 đã khá lạc hậu, chi phí vận hành bảo dưỡng lớn, tầm bắn ngắn (80 km), độ chính xác không cao, kích thước cồng kềnh, quỹ đạo đơn giản dễ bị đánh chặn và sắp hết tuổi thọ.
- Bờ biển Việt Nam dài, hai tiểu đoàn đang có hiện nay chưa thể đảm bảo bao quát được hết các khu vực trọng yếu chứ chưa nói đến toàn bộ bờ biển
- Tình hình Biển Đông có những bước phát triển mới phức tạp hơn, các nước có liên quan đều ra sức tăng cường sức mạnh quân sự. Do vậy, Việt Nam cần tăng cường sức mạnh để phù hợp với tình hình.
Từ những lí do trên, có thể thấy rằng việc mua thêm tổ hợp Bastion-P là một nhu cầu cấp thiết của Hải quân Việt Nam. Vậy tổ hợp mới này sẽ được bố trí ở vị trí nào để phù hợp với chiến lược phòng thủ của Việt Nam?
Việt Nam nên bố trí Bastion mới ở đâu?
Có thể thông qua tìm hiểu việc bố trí lực lượng hải quân của Việt Nam để xác định xem các địa bàn chiến lược.
Hiện nay, Hải quân Việt Nam có những căn cứ Hải quân lớn ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Cam Ranh và TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, Cam Ranh tương lai sẽ phát triển thành căn cứ quan trọng nhất của Việt Nam, là trái tim sức mạnh của Hải quân, là mái nhà của các tàu ngầm Kilo và các tàu chiến hiện đại nhất. Do vậy từ rất sớm nơi đây đã được ưu tiên phòng thủ hướng biển với các trang bị hiện đại nhất.
Địa bàn TP. Hồ Chí Minh nằm hơi lùi vào sâu so với đường bờ biển, chếch xuống phía nam, xa các địa điểm nóng trên Biển Đông. Do là trung tâm kinh tế của cả nước nên lực lượng bảo vệ ở TP. Hồ Chí Minh cũng đã được xây dựng từ trước với đầy đủ các quân binh chủng và trang thiết bị hiện đại nhất. Do vậy, mối nguy hại từ phía biển đối với TP. Hồ Chí Minh không nhiều và lực lượng ở đây cũng đã đủ sức đối phó.
Như vậy còn hai địa điểm là Hải Phòng và Đà Nẵng. Hai địa điểm này đều phù hợp để bố trí Bastion-P.
Hải Phòng từ lâu được coi là “thủ đô Hải quân”, trong thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ, cảng Hải Phòng là nơi tiếp tế nhiều vật chất, vũ khí cho đất nước. Ngày nay dù vai trò không còn được như trong kháng chiến nhưng Hải Phòng vẫn là cửa ngõ thông thương lớn nhất của toàn miền Bắc.
Bố trí Bastion-P ở đây rất hợp lý bởi với tầm bắn 300 km của Yakhont, nó có thể bao quát toàn bộ vịnh Bắc Bộ, đề phòng trường hợp đối phương sử dụng lực lượng tàu đông đảo phong tỏa vịnh Bắc Bộ như Mỹ đã từng tiến hành trong chiến tranh Việt Nam.
Đặc biệt, phía trước vịnh Bắc Bộ là Hải Nam, nơi đặt căn cứ lớn nhất của Hạm đội Nam Hải Trung Quốc. Khi căng thẳng trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể có những biến động khó lường thì việc phòng thủ vịnh Bắc Bộ là việc hết sức cần chú ý.
Bố trí Bastion-P mới ở Hải Phòng sẽ giúp Việt Nam bảo vệ vịnh Bắc Bộ (vùng khoanh tròn bán kính 300 km, vùng bảo vệ của Bastion-P)
Tuy nhiên, không chỉ Hải Phòng, Đà Nẵng cũng là nơi có thể đặt Bastion-P bởi Đà Nẵng là địa bàn quân sự bố trí nhiều tàu chiến, lực lượng Không quân đánh biển của Việt Nam. Đặc biệt về địa lý, Đà Nẵng còn là nơi nằm trên đoạn cong nhô ra biển của lãnh thổ Việt Nam, do vậy nếu đặt Bastion-P ở đây thì tầm bao quát sẽ rất lớn.
Không chỉ vậy, Hoàng Sa và Trường Sa sẽ là nơi nóng bỏng nhất trên Biển Đông. Hoàng Sa thuộc phạm vi quản lý hành chính của Đà Nẵng, còn Trường Sa nằm ở lùi ở phía nam. Nếu được đặt ở Đà Nẵng, Bastion-P có thể tạo ra một vành đai an toàn trên biển để các tàu chiến Việt Nam tránh được sự đe dọa của tàu chiến đối phương đồng thời phát huy sức mạnh ngăn chặn các hành động leo thang của đối phương hoặc phong tỏa đường xuống phía nam của Trung Quốc.
Bố trí Bastion-P mới ở Đà Nẵng sẽ giúp Việt Nam lập vành đai an toàn trên biển để các lực lượng tàu chiến dễ dàng hoạt động (vùng khoanh tròn bán kính 300 km, vùng bảo vệ của Bastion-P)
Ngoài Bastion-P và Rubezh, Việt Nam hiện sở hữu tổ hợp Redut-M cũng rất uy lực. Tuy kích thước cồng kềnh, quỹ đạo bay khá đơn giản nhưng tầm bay lớn đến 550 km, cùng đầu đạn lên tới 1.000 kg có thể đánh chìm tàu có lượng giãn nước tới 20.000 tấn, kể cả tàu sân bay.
Do vậy, nếu điều kiện kinh tế cho phép, Việt Nam nên mua thêm 2 tiểu đoàn Bastion-P để bố trí ở Hải Phòng và Đà Nẵng. Còn nếu kinh tế chưa cho phép, chỉ mua được thêm 1 tiểu đoàn, Việt Nam cũng cần bố trí lại các tổ hợp Rubezh và Redut-M để đồng thời đảm bảo được sức mạnh trên tất cả các vị trí.
Tình hình Biển Đông ngày càng phát triển, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo ngày càng có những yêu cầu mới cao hơn cả về con người và vũ khí trang bị, nhưng với sự sáng suốt của mình trong thời gian qua, Việt Nam đã lựa chọn đầu tư hợp lý các loại trang bị mới với chi phí vừa phải. Tin tưởng rằng tương lai gần, tổ hợp Bastion sẽ được bố trí một cách hợp lý để phát huy hiệu quả cao nhất.
Theo Trí Thức Trẻ
Nhận xét
Đăng nhận xét