Chuyển đến nội dung chính

Vì sao Trung Quốc ngày càng bỏ xa Việt Nam trong phát triển?

Gần đây nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi: Tại sao thành quả phát triển của Trung Quốc hơn hẳn Việt Nam, mặc dù cùng một thể chế chính trị, cùng một mục tiêu cơ bản về phát triển xã hội.

Trong khoảng 30 năm qua, nhất là từ thập niên 1990, kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ. Từ năm 1980-2008 bình quân mỗi năm tăng 10%, sau đó giảm nhưng vẫn giữ mức gần 8%. Trung Quốc đã trở thành công xưởng thế giới và từ năm 2010 là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

Việt Nam từ khi đổi mới đến năm 2007 bình quân mỗi năm chỉ phát triển 7% và từ năm 2008 đến nay giảm còn 5,8%. Khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng nới rộng. Vào năm 1984, GDP đầu người của Trung Quốc chỉ hơn Việt Nam độ 30%, nhưng năm 2013 khoảng cách đó tăng lên tới 3,5 lần. Ngoài ra, nhập siêu của Việt Nam trong mậu dịch với Trung Quốc lớn ở mức dị thường, công nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

Trung Quốc và Việt Nam: giống và khác điểm gì?

Gần đây nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi: Tại sao thành quả phát triển của Trung Quốc hơn hẳn Việt Nam, mặc dù cùng một thể chế chính trị, cùng một mục tiêu cơ bản về phát triển xã hội. Năm 1991, Việt Nam đưa ra mục tiêu xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, còn Trung Quốc vào năm 1992 cũng phát biểu phương châm cơ bản là xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa hoặc xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc. Cách nói hơi khác nhưng nội dung cơ bản thì giống nhau.

Việc so sánh trình độ phát triển của hai nước không đơn giản vì cần khảo sát nhiều yếu tố cả chất và lượng. Nhưng GDP đầu người là chỉ tiêu tổng hợp nhất có thể tạm dùng để so sánh vì sự khác nhau giữa các nước về chỉ tiêu này cũng phản ảnh trình độ khác nhau về sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, về cơ cấu hàng công nghiệp xuất khẩu... Dĩ nhiên nếu chất lượng phát triển (hiệu suất đầu tư, ảnh hưởng môi trường, tình trạng phân phối thu nhập) rất khác nhau thì tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn chưa hẳn đáng được đánh giá cao. Nhưng giữa Trung Quốc và Việt Nam, chất lượng phát triển có thể nói không chênh lệch nhiều.

Có thể có người giải thích sự chênh lệch phát triển là do có khác biệt về điều kiện ban đầu. Chẳng hạn, thứ nhất, Trung Quốc bắt đầu cải cách mở cửa trước Việt Nam tám năm. Nhưng yếu tố này không mạnh. Ngược lại, lý luận về lợi ích của nước đi sau hoặc lý luận về sự hội tụ (convergence) cho thấy những nước đi sau dễ phát triển với tốc độ cao hơn nước đi trước. Thứ hai, quy mô thị trường có thể giúp công nghiệp Trung Quốc sản xuất có hiệu suất và nhanh chóng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Yếu tố này có tác dụng đối với những ngành công nghiệp khởi đầu bằng thay thế nhập khẩu, sản xuất cho thị trường trong nước. Nhưng đối với công nghiệp hướng vào xuất khẩu (khuynh hướng phát triển chủ đạo tại châu Á từ cuối thập niên 1980), quy mô thị trường trong nước không quan trọng. Tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc có điều kiện địa lý giống Việt Nam, đã phát triển mạnh mẽ từ giữa thập niên 1990 nhờ sử dụng hiệu quả tư bản và công nghệ nước ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa hướng vào thị trường thế giới.

Yếu tố nào giải thích chênh lệch thành quả phát triển?

Ngoài ra, còn một số yếu tố khác về điều kiện ban đầu nhưng theo tôi những yếu tố sau đây quan trọng hơn, có tính cách quyết định hơn.

Thứ nhất, chủ nghĩa phát triển (developmentalism) hay ý thức hệ?

Chủ nghĩa phát triển nguyên nghĩa là sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước vào thể chế thị trường để động viên các nguồn lực vào mục tiêu đẩy mạnh phát triển và với thành quả đó khẳng định sự chính thống của người đang lãnh đạo đất nước.

Áp dụng khái niệm này vào trường hợp một nước theo thể chế xã hội chủ nghĩa chuyển sang kinh tế thị trường, đó là sự mạnh dạn tạo điều kiện cho kinh tế thị trường phát triển, vai trò của nhà nước chỉ nhằm giải quyết những vấn đề mà kinh tế học gọi là sự thất bại của thị trường (giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn và các nguồn lực khác, đầu tư trong các lĩnh vực cung cấp dịch vụ công cộng, bảo vệ môi trường...). Điểm mấu chốt của chủ nghĩa phát triển ứng dụng cho trường hợp này là không để ý thức hệ kìm hãm khả năng phát triển.

Có thể nói lãnh đạo của Trung Quốc đã dứt khoát theo chủ nghĩa phát triển. Tuy đề ra chủ trương xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa nhưng trên thực tế hầu như họ gác lại một bên lý tưởng “xã hội chủ nghĩa” mà tập trung phát triển kinh tế bằng các chính sách, biện pháp phổ quát tại các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Cụ thể là cho kinh tế tư nhân tự do phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho nước ngoài đến đầu tư trực tiếp (FDI). Trong thập niên 1980, phe bảo thủ còn mạnh nhưng phe cải cách đã theo phương châm “Thực tiễn là thước đo chân lý” lấy thành quả cải cách bước đầu thuyết phục được những người bảo thủ và tiếp tục cải cách. Khi thấy khu vực phi quốc doanh phát triển mạnh, và thành hình một giới lãnh đạo doanh nghiệp mới, thay vì kìm hãm họ, Trung Quốc đã đưa ra thuyết Ba đại diện (năm 2002) để tu chỉnh lý tưởng, mục tiêu của Đảng Cộng sản.

Khác với Trung Quốc, Việt Nam không theo chủ nghĩa phát triển mà thường để ý thức hệ chính trị chi phối quá trình cải cách. Tiếc là phía cải cách chưa đủ mạnh và nhanh nên ảnh hưởng của tư tưởng ngại “cải cách” kéo dài nhiều năm, bỏ lỡ nhiều thời cơ phát triển. Chẳng hạn, chính sách đổi mới quyết định năm 1986 chủ trương đa dạng hóa chế độ sở hữu tư liệu sản xuất nhưng đến năm 1990 mới có Luật Doanh nghiệp, trong đó thừa nhận sự tồn tại của doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên đó chỉ mới thừa nhận, phải đợi đến năm 1999 mới có Luật Doanh nghiệp mới, cho phép doanh nghiệp tư nhân đầu tư trong mọi lĩnh vực mà luật không cấm. Sau đó, do phương châm quốc doanh chủ đạo, hoạt động của doanh nghiệp tư nhân cho đến hiện nay vẫn gặp khó khăn như ta đã biết.

Thứ hai là vai trò của chính quyền địa phương. Tại Trung Quốc, chính quyền địa phương cũng có tinh thần của “chủ nghĩa phát triển”. Các địa phương cạnh tranh nhau trong quá trình phát triển. Đặc biệt doanh nghiệp hương trấn (township village entreprises, TVEs) phát triển mạnh mẽ ở nông thôn các tỉnh ven biển là nhờ chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi về thông tin, về vốn, nhất là về thủ tục hành chính. Hình thái của TVEs là sở hữu tập thể nhưng chính quyền địa phương cho hoạt động như doanh nghiệp tư nhân. Địa phương phát triển là điều kiện để lãnh đạo được đề bạt lên các chức vụ ở trung ương.

Về phía Việt Nam, sau giai đoạn sản xuất nông nghiệp khởi sắc nhờ vào Khoán 10 (1988), chưa thấy có sự chuyển dịch đáng kể ở nông thôn. Không thấy có điển hình phát triển nào được chú ý, ngoài vài tỉnh lân cận TPHCM và Hà Nội. Ngược lại, nhiều hiện tượng cho thấy lợi thế của nông nghiệp Việt Nam không được phát huy.

Chẳng hạn, vài năm trước tôi thấy trái cây các loại đến từ Thái Lan và Philippines được đóng gói rất đẹp mắt bày bán ở các cửa hàng ở sân bay Nam Ninh của tỉnh Quảng Tây nhưng không thấy bóng dáng của hàng Việt Nam. Các nước ASEAN đã tận dụng các ưu đãi về thuế trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN, trong khi không hiểu chính quyền địa phương ở Việt Nam sao không nỗ lực tổ chức và tạo điều kiện để hàng nông nghiệp xuất khẩu được. Cũng vài năm trước, thăm một công ty có vốn nước ngoài chuyên sản xuất thực phẩm đóng hộp xuất khẩu tại một khu công nghiệp ở Bình Dương, tôi ngạc nhiên biết được họ phải nhập khẩu cà chua dùng làm nguyên liệu ở nhà máy chứ không mua của Việt Nam “vì hàng Việt Nam không bảo đảm phẩm chất và thời hạn giao hàng”.

Yếu tố thể chế quan trọng nhất có lẽ là ở Việt Nam, địa phương phát triển hay không, không phải là điều kiện để lãnh đạo thăng tiến. Khoảng 10 năm gần đây Đảng Cộng sản Việt Nam có chính sách luân chuyển cán bộ. Nhiều cán bộ nguồn được gửi về địa phương để thêm kinh nghiệm thực tế và sau đó được gọi về trung ương giữ các chức vụ tương đương bộ trưởng hay thứ trưởng mà không xem xét người đó đã có thành tích như thế nào ở địa phương mình phụ trách.

Thứ ba là năng lực triển khai chiến lược phát triển. Sau khi có chiến lược, phương châm phát triển, khả năng bắt tay ngay vào việc triển khai cụ thể được hay không dĩ nhiên ảnh hưởng đến thành quả phát triển. Về mặt này thái độ của Trung Quốc rất ấn tượng. Ngay từ khi quyết định cải cách, mở cửa, Trung Quốc đã nhận thức sức mạnh của công nghệ, của tri thức và có chiến lược tận dụng nguồn lực của Nhật và Mỹ, hai nước được họ xem là mạnh nhất thế giới lúc đó. Họ cũng chọn Quảng Đông và Phúc Kiến để lập đặc khu kinh tế nhắm vào sức mạnh và tâm lý hoài hương của Hoa kiều mà đa số xuất thân từ hai tỉnh này. Thực tiễn cho thấy chiến lược này rất đúng đắn.

Trong thập niên 1980, trong khi hành lang pháp lý chưa được hoàn thiện, doanh nghiệp Âu Mỹ và Nhật Bản còn e ngại, sợ rủi ro, chưa đầu tư bao nhiêu thì Hoa kiều đã tích cực đổ vốn và đưa công nghệ vào bốn đặc khu kinh tế. Sang thập niên 1990, làn sóng FDI từ Đài Loan, Nhật Bản và các nước Âu Mỹ bắt đầu tích cực chảy đến Trung Quốc.

Khảo sát chiến lược và quy trình tranh thủ công nghệ Nhật Bản của Trung Quốc ta thấy: sau khi lãnh đạo trực tiếp tiếp thị thành công đối với các công ty đa quốc gia của Nhật, bộ máy chuyển động ngay để cụ thể hóa việc tiếp nhận công nghệ, và nhà máy xây dựng, sản xuất bắt đầu nhanh chóng. Giữa các giai đoạn này là việc cử người sang Nhật học tập, chọn địa điểm và giải tỏa đền bù.

Bằng phương thức này, trong thập niên 1980 Trung Quốc đã tranh thủ Nhật để xây các nhà máy thép hiện đại, các cơ sở hóa dầu, cơ sở sản xuất máy cày, máy chế ngự kỹ thuật số... và các công ty xe hơi của Nhật đã sang đầu tư quy mô lớn. Từ thập niên 1990, Nhật ồ ạt sang đầu tư, hình thành nhiều cụm công nghiệp ở Quảng Đông, Vô Tích, Đại Liên.

Việt Nam thì sao? Từ thập niên 1990 đến giữa thập niên 2000, chính sách FDI nói chung là nhằm hạn chế hoạt động của doanh nghiệp có vốn nước ngoài và luôn thay đổi nên đã đánh mất nhiều cơ hội đẩy mạnh công nghiệp hóa (chẳng hạn xem bài "Có tinh thần dân tộc mới phát triển được ngành ô tô" của tác giả trên TBKTSG số ra ngày 4-7-2013).

Từ khi gia nhập WTO (đầu năm 2007) thì ngược lại, cho FDI vào tự do ở mọi ngành, kể cả những ngành doanh nghiệp trong nước có thể đầu tư, và kể cả những ngành lẽ ra cần dành cho doanh nghiệp bản xứ trong tương lai. Hậu quả của giai đoạn thứ hai là FDI ồ ạt vào đầu tư trong khi doanh nghiệp trong nước, kể cả quốc doanh còn yếu, đã tạo ra nguy cơ phân hóa nền kinh tế theo hai khu vực ít liên kết với nhau là FDI và doanh nghiệp bản xứ (xem thêm FDI và nguy cơ phân hóa kinh tế của tác giả trên TBKTSG số ra ngày 8-5-2014).

Thứ tư là chất lượng bộ máy nhà nước. Về phí tổn kinh doanh, tình trạng tham những, hiệu suất của bộ máy hành chính, và các chỉ tiêu khác liên quan chất lượng thể chế, Trung Quốc từ trước không trầm trọng bằng Việt Nam và sau đó còn cải thiện nhanh hơn Việt Nam. Hiện nay hầu như tất cả các chỉ tiêu này cho thấy Trung Quốc hơn hẳn Việt Nam.

Chẳng hạn theo Doing Business 2014, số loại thuế mà doanh nghiệp phải nộp tại Trung Quốc giảm từ 35 loại năm 2005 xuống còn bảy loại vào năm 2012. Trong thời gian đó, Việt Nam không giảm và vẫn ở mức cao là 32 loại. Trong cùng thời gian, phí để bắt đầu dự án (tính theo phần trăm trên thu nhập đầu người) tại Trung Quốc giảm từ 13,6% xuống 2,1% trong khi tại Việt Nam giảm từ 27,6% xuống 8,7%, vẫn còn cao gấp 4 lần Trung Quốc. Nhiều chỉ tiêu khác cũng cho thấy tình hình tương tự.

Vài lời kết

Như vậy, khoảng cách phát triển ngày càng mở rộng giữa Trung Quốc và Việt Nam trong khoảng 30 năm qua có thể được giải thích bằng sự khác nhau trong tư duy về tương lai đất nước (dứt khoát theo chủ nghĩa phát triển hay không), khác nhau về năng lực biến phương châm thành chiến lược cụ thể và khả năng thực hiện để đạt mục tiêu, và bằng sự khác nhau về chất lượng thể chế liên quan phí tổn hành chính mà doanh nghiệp phải phụ đảm.

Để theo kịp Trung Quốc, tư duy, ý thức của lãnh đạo Việt Nam phải thay đổi nhanh hơn và cố làm sao cho chất lượng thể chế phải bằng hoặc hơn Trung Quốc.

TRẦN VĂN THỌ (THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bộ tư lệnh tác chiến không giang mạng và Lực lượng 47

Đại tá Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, được điều sang làm Phó tư lệnh - Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng, thuộc Bộ Quốc phòng, vừa được công bố thành lập ngày 8/1/2018. Tác chiến không gian mạng ở Quân khu 7 Báo Dân Trí cho hay ông Trung "đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phổ cập dịch vụ di động của Viettel 14 năm trước cũng như đưa ra chiến lược cho cuộc cách mạng số hiện nay." Hôm 11/1, trả lời Ben Ngô của BBC Tiếng Việt, ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sài Gòn (SCIS), nói: "Viettel là tổ hợp công nghiệp quốc phòng được coi là lớn nhất hiện nay và họ tập trung vào công nghệ thông tin và mạng, phù hợp với định hướng hiện đại hóa toàn diện của lực lượng tác chiến mạng." "Nếu theo dõi những sản phẩm công nghiệp quốc phòng mới nhất của Viettel thì thấy rõ là họ đầu tư cho các hệ thống quản lý big data cho quân đội và các tổ hợp radar hay không người lái cho không quân...

Cách đơn giản để tải video YouTube về máy tính

Có nhiều công cụ để tải một video từ YouTube. Dưới đây là một trong những cách đơn giản nhất. Bước 1: Vào trang YouTube.com, mở video bạn muốn tải về. Bước 2: Trong thanh địa chỉ, thêm “ss” vào giữa “www.” và “youtube”. Địa chỉ URL của bạn trông sẽ giống như thế này: http://www.ssyoutube.com/watch?v=vDJDvit-dKw Bước 3: Nhấn phím Enter và bạn sẽ được chuyển tới trang SaveFrom.net , một website cho phép tải về video từ nhiều trang web nổi tiếng. Lưu ý: Theo mặc định, định dạng video được chọn cho bạn tải về là MP4. Bạn có thể nhấp chuột vào đường link “More” để xuất hiện thêm những định dạng như FLV và 3GP (cho thiết bị di động). Bước 4: Nhấn chọn định dạng và chất lượng video (ví dụ 360p, 480p, 720p) mà bạn muốn tải về. Quy trình tải sẽ được bắt đầu ngay sau đó. Theo ITC News

Mỹ tuyên bố đối đầu quyết liệt với Trung Quốc mọi thời điểm

Ngoại trưởng Pompeo cho rằng các chiến lược của Trung Quốc đều đe dọa lợi ích của Mỹ và Washington cần hành động để ngăn chặn.